Thằng bé

Thằng bé

 

Chiếc cầu sắt hoang phế, gỉ ngoét ưỡn bộ xương qua dòng kinh đen kịt. Dưới chân cầu, ngay sát mép bùn có một người đàn ông rách như tổ đỉa đang ngồi dạng cẳng. Ông ta mải mê dùng móng tay cậy những miếng gỉ sắt mọc lởm chởm nơi trụ cầu, bỏ vào mồm nhai.

Thằng bé về đến nhà thì bố nó đã đi đâu. Ngôi nhà là cả một sự đảo lộn. Ngay cả cái mái tôn cũng chúc xuống phía dưới. Cột ăng ten gãy gục, sợi dây bị cắt rời từng khúc. Bàn ghế, giá sách, tủ đứng, ti vi… tất cả đều lộn ngược. Những quyển sách bung ra, úp mặt xuống đất. Mấy lọ hoa đổ lổng chổng, những bông hoa rúc vào trong lọ, thò cuống ra bên ngoài. Những khung ảnh bị tháo tung. Chổi rơm bị xé rời từng mảnh. Con chó Mực đang trồng cây chuối bằng hai chân trước ở góc nhà, hai chân sau của nó bơi trong không khí như hai dấu ngã, cái đuôi đen bóng trỏ thẳng lên trời. Con mèo Min cũng trong tư thế như vậy, chỉ khác là cái đuôi nó cụp xuống…

Thoạt tiên thằng bé nghe một tiếng: “Á“, rồi những tràng cười sằng sặc rộ lên, lộng óc. Tiếng người. Thằng bé giật nảy mình, vội ngước mắt nhìn lên. Nó nom thấy những gương mặt đỏ au, vàng ệch, tái xám, trắng dã, đen xì… cơ man là gương mặt người. Rồi có hai bàn tay xù xì, gân guốc từ trên cao chụp xuống đầu nó. Hai ngón trỏ thọc sâu vào bên trong, bắt đầu quấy óc nó như chuẩn bị làm một món tương. Thằng bé chưa kịp phản ứng thì lại có hai bàn tay khác. Lần này như hai gọng kìm đang từ từ xiết lấy cổ nó. Trước ngực, sau lưng hình như cũng có hai bàn tay đang bấu chặt cả khuôn ngực gày gò của nó. Những ngón tay dài, lạnh như những con rắn đang lùng sục trong lồng ngực. Hình như lùng bắt trái tim. Phía dưới cũng có mấy bàn tay vươn tới chụp lấy đôi chân khẳng khiu…

Thằng bé quay người bỏ chạy ra khỏi căn nhà. Con Mực và con Min cũng hạ hai chân sau xuống. Cả hai cùng co mình, rún nhẹ một cái rồi tung cẳng phóng theo.

Một người, một chó và một mèo cứ thế chạy, chạy trong câm lặng. Người đi đường trố mắt ngó theo. Thực ra thì chúng cũng đã từng kêu lên. Song con Mực vừa “gâu“ một tiếng thì bỗng hoảng sợ, tiếng sủa nghẹn lại giữa chừng, chỉ còn rít rít mấy cái trong cổ họng một lát rồi tắt hẳn. Con Min vừa há mồm “meo“ bỗng hoảng hốt cụp đuôi, toàn thân run bần bật. Thằng bé cũng chỉ kịp thét lên một tiếng “Ối!“ Bỗng nó nhớ lại câu chuyện bố nó mới kể cho nó nghe hôm trước. Thế là nó nín bặt, không dám há mồm ra nữa. Người đi đường cũng có kẻ dừng lại: “Này! Này, thằng bé kia… chạy đi đâu thế?“.   Tiếng người càng làm nó hoảng sợ. Đôi chân nó vội vàng rẽ ngoặt sang hướng khác. Người ta chỉ trỏ, bàn tán, nhìn theo một lúc rồi lắc đầu bỏ đi. Ai cũng có công việc của riêng mình…

Người nào chợt bắt gặp cảnh ấy cũng ngạc nhiên. Có điều gì không bình thường trong những đôi chân đang chạy cuống cuồng kia. Đây đúng là chuyện lạ. Giá như vào trường hợp khác thì người xem đã xúm đen xúm đỏ rồi. Xứ sở này vốn nổi tiếng tò mò. Tiếc rằng cái chuyện lạ này nó di động, nên không có cơ hội cho những đám đông hiếu kì có dịp hình thành. Dù sao thì người ta cũng tranh thủ ngoái lại nhìn cho đến khi hút tầm mắt.

Chúng cứ chạy như thế không giảm tốc độ. Con Mực chạy sau thằng bé vài bước chân, tiếp đến là con Min, hai cái đuôi cong vút như hai dấu hỏi. Hễ có tiếng người là chúng lập tức tìm cách rẽ ngoặt sang một hướng khác, bất kể đó là một đường phố hay một con hẻm. Chính vì thế mà mặc dù đã chạy mãi, chúng vẫn luẩn quẩn trong thành phố. Cũng có vài vụ kẹt xe sơ sơ xảy ra bởi những kẻ bỗng dừng lại giữa đường để ngó theo. Thậm chí có những vụ va quệt nhẹ. Song nói chung là bình yên. Thành phố vẫn thản nhiên diễn biến cái không khí sôi động của nó.

Sáng sớm hôm sau, các tờ nhật trình chạy tít lớn, đại loại: “Chuyện lạ trong thành phố. Một thằng bé, một con chó và một con mèo chạy như bị ma đuổi…“.  Có ảnh chụp cả ba đang chạy. Ảnh màu, ảnh đen trắng… đủ các tư thế, đủ các vị trí, quãng phố… không báo nào trùng với báo nào. Cả những lời tường thuật, những bài bình luận cũng không giống nhau. Tất cả đều phỏng đoán, úp úp mở mở. Người người xúm lại quanh những quầy báo. Nơi bến xe, bến tàu… những chú bé bán báo mặt hồ hởi khua khua những tờ nhật trình, hét lạc cả giọng.

Một số người dân bỗng dưng nổi tiếng, được nêu tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp… lại còn chường cả chân dung lên mặt báo. Họ trả lời phỏng vấn về những gì đã chứng kiến. Phần lớn đều thêu dệt cho thêm phần ly kì…

Suốt ngày hôm ấy cho đến tận sáng hôm sau, cả ba vẫn chưa chạy ra khỏi thành phố. Các tòa báo biết vậy cử phóng viên giỏi nhất săn lùng. Tin tức, tọa độ của cuộc chạy luôn luôn được báo về tòa soạn. Các phóng viên ngồi trên xe gắn máy, xe gíp, ô tô… tranh nhau chụp những bức ảnh đắc địa nhất. Những cuộc phỏng vấn lại liên tục diễn ra nơi thằng bé chạy qua. Đủ các hạng người tham gia trả lời phỏng vấn. Vé số dạo, đánh giày, bán hàng rong, xe ôm… chuyến này tha hồ lên mặt báo. Mọi người mải xem chúng chạy, không ai để ý dưới chân chúng lúc nào cũng có bóng rợp. Thì ra có một đám mây bay theo. Phóng viên báo “Chúng Nó“, tờ báo lớn nhất nhì cả nước là người đầu tiên phát hiện ra điều này. Vội vàng chụp ảnh, viết tin ngay tại chỗ rồi truyền cấp tốc về tòa soạn…

Báo “Chúng Nó“ bán đắt như tôm tươi. Ra cả phụ trương buổi chiều, buổi tối… Các kênh ti vi cũng không đứng ngoài cuộc. Tất cả đồng loạt đưa tin, truyền hình tại chỗ, phỏng vấn… Những người dân được gợi ý bình luận, mỗi người phỏng đoán mỗi kiểu. Ai cũng hăng hái, hưng phấn vì được xuất hiện trên ti vi, trên báo. Có người khẳng định thằng bé đã chạy qua chỗ mình tới bốn năm lần. Đặc biệt, phát hiện của phóng viên báo “Chúng Nó“ càng làm câu chuyện thêm hấp dẫn, có yếu tố ly kì, câu độc giả. Thành phố cuồng lên. Sốt ruột. Ai cũng muốn tham gia bàn tán…

Báo “Chúng Tao“ tỏ ra điềm tĩnh hơn. Cần phải hướng dẫn dư luận, đó là trách nhiệm của báo “Chúng Tao“.  Không thể giải thích bằng cách vu cho thằng bé tội phản quốc hay đại loại tội gì đó tương tự. Đơn giản bởi nó còn quá bé để làm những việc ấy. Vậy thì nó là thằng ăn cắp. Đã có người sẵn sàng đứng ra khẳng định chính mình từng bị nó móc túi. Báo “Chúng Tao“ dễ dàng tìm ra những người như thế. Bèn đăng liên tục, nhiều kì về chuyện ăn cắp của thằng bé. Không thấy nhắc gì đến con Mực, con Min với cả đám mây…

Các nhà đạo đức giả thoạt tiên không tin. Kinh nghiệm và sự từng trải từ lâu đã dạy họ không nên tin vào báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình. Nhất là những câu chuyện giật gân, vô bổ. Mà dù có thật đi chăng nữa thì cũng chẳng mấy chốc sẽ kết thúc. Không một cuộc chạy nào có thể kéo dài mãi cả. Họ tiên đoán một cách rất uyên bác, rằng sự kết thúc cũng sẽ đột ngột như lúc nó bắt đầu. Nhưng đến ngày thứ ba, cuộc chạy vẫn diễn ra ở đâu đó trong thành phố. Bấy giờ các nhà đạo đức giả buộc phải lên tiếng. Không thể để cho một thằng bé cứ chạy mãi như thế được. Nó sẽ kiệt sức mất. Phải tóm nó lại. Phải cứu lấy nó, v.v…

Các báo giật mình tỉnh ngộ. Khai thác chuyện giật gân trong khi một thằng bé đang chạy kiệt sức là một điều dã man. Báo “Chúng Nó“ kêu gọi mọi người hãy giữ thằng bé lại. Báo “Chúng Mày“ tỏ ra thiết thực hơn, treo giải thưởng một năm báo biếu cho những ai túm được thằng bé. Báo “Chúng Tao“ nhắc nhở chính quyền địa phương cần phải nhanh chóng vào cuộc. Cảnh sát được huy động. Những chiếc xe gắn còi hụ tỏa ra các ngả đường, trên xe có cả chó nghiệp vụ ngồi thè lưỡi.

Chúng vẫn chạy đâu đó trong thành phố. Nhưng xem ra không còn được bao lâu bởi tất cả đã vào cuộc, từ dân chúng tới cảnh sát, phóng viên… tất cả đều sẵn sàng ngăn chúng lại. Đầu tiên là mấy bà bán quầy thuốc lá vỉa hè. Phát hiện thấy chúng từ những tiếng hò reo phía xa, mấy bà xông ra chặn giữa đường. Song thằng bé đã vuột qua tay mấy bà, trơn tuột như một con chạch. Cả con Mực và con Min cũng dễ dàng phóng vút qua. Đám mây vẫn bay theo chúng như một cái tán di động. Đến lượt mấy thanh niên vô công rồi nghề cũng bỏ dở ván bài nơi vỉa hè để xông ra. Không ăn thua. Người thằng bé cứ như làm bằng không khí. Rõ ràng túm được nó rồi mà hai tay vẫn hụt hẫng. Chưa kịp ngạc nhiên thì thằng bé đã chạy quá đến chục mét. Con Mực và con Min còn khó túm hơn…

Chả cứ gì dân chúng. Cả cảnh sát cũng vồ hụt mấy lần, anh nào anh nấy trơ mắt nhìn nhau, sự kinh ngạc làm các cảnh sát xuất thần, không thể tin nổi. Đến khi giật mình nhớ lại nhiệm vụ thì thằng bé đã bỏ xa một quãng. Chó nghiệp vụ sủa inh ỏi, vừa sủa vừa thở hồng hộc, những cái lưỡi đỏ lòm thè hết ra ngoài. Lưỡi chó. Lại đuổi theo, lại chặn đầu. Xe cảnh sát hú ran khắp các ngả đường, máy bộ đàm đồng loạt hoạt động, liên tục thông báo tin tức giữa các toán cảnh sát.

Bây giờ thì rõ ràng đang diễn ra một cuộc đuổi bắt. Đuổi đằng sau, kẹp hai bên, chặn đầu… Không có chuyện thằng bé cấu tạo bằng không khí. Vậy mà vẫn không sao tóm được nó. Nhà chức trách cáu lên. Đầu tiên là con Min bị tóm. Song người nó đã mềm nhũn, chỉ còn như một cuộn giẻ lau. Nó đã chết từ 24 tiếng đồng hồ trước đó. Thằng bé tiếp tục vuột khỏi một bàn tay hộ pháp. Lại vồ, lại vuột… Đến lượt con Mực bị tóm. Nó cũng chẳng khác gì con Min. Con Mực chết trước đó 12 giờ đồng hồ. Thằng bé vẫn chạy. Đám mây vẫn bay trên đầu nó.

Báo “Chúng Mày“ đăng bài hoan hô chiến công đầu của cảnh sát. Dù sao cũng loại trừ được hai thành viên trong cuộc chạy. Tuyên bố trao giải 6 tháng báo biếu. Báo “Chúng Nó“ chỉ đăng ảnh, không bàn nhời nào. Báo “Chúng Tao“ tiếp tục đăng những bài về chuyện ăn cắp của thằng bé để hướng dẫn dư luận, đồng thời đưa ra ý kiến chỉ đạo, rằng nếu không tóm được thằng bé bằng tay không thì nên dùng lưới. Cố đừng làm nó bị đau.

Lưới được giăng ra.

Thằng bé chạy qua lưới một cách dễ dàng. Hay là người nó bằng không khí thật. Hay tại lưới thưa quá? Giăng nhiều lớp nữa… vẫn không ăn thua. Có lẽ phải dựng một bức tường.

Bức tường được dựng lên.

Thằng bé chạy qua cả bức tường.

Giờ thì nó chỉ chạy thẳng, vì thế chẳng mấy chốc đã ra khỏi thành phố. Thành phố sau một hồi ghê tởm thằng ăn cắp, giờ đã bình yên trở lại. Đám mây vẫn bay trên đầu thằng bé. Xe cảnh sát vẫn đuổi đằng sau, đuổi hai bên, đuổi giật lùi phía trước… Báo “Chúng Tao“ chỉ đạo: mục tiêu bây giờ không chỉ riêng thằng bé, cả đám mây nữa. Phải tóm cho bằng được thằng bé, đồng thời phải phá tan đám mây trước khi nó kịp bay về trời…

Đã bước sang ngày thứ 5, thứ 6, thứ 7, v.v…

Hiện thằng bé vẫn còn đang chạy.

Người đàn ông dưới chân cầu vẫn cậy những miếng gỉ sắt bỏ vào mồm nhai. Đó là người duy nhất trong thành phố không hề biết đến cuộc đuổi bắt. Ông ta không còn nhớ điều gì hết. Kể cả cái sự thật cuối cùng trên cõi đời này mà ông ta đã nói cho thằng con trai nghe, ngay trước hôm bị bắt vào tù.

Tháng 6/2007

Phạm Lưu Vũ


Bình luận về bài viết này